Việt Nam quê hương tôi, xin chào!
Một mùa xuân mới đã về - một mùa “Xuân quê hương” cũng đã khép lại với những kỳ vọng mới của đất nước trong năm 2015. “Việt Nam quê hương tôi, xin chào!” - lời hát trong ca khúc “Việt Nam 2020” cũng là lời chào thân thương và trân trọng tới những người con mang dòng Việt - dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này.
Với chủ đề “Tổ quốc vinh quang”, chương trình Xuân Quê Hương 2015 không chỉ mang ý nghĩa về tinh thần đoàn kết dân tộc của người dân Việt Nam trên toàn thế giới mà còn hưởng ứng các ngày lễ lớn sẽ diễn ra trong năm nay như kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước và đặc biệt hướng đến tình yêu biển đảo quê hương.
20h5', chương trình mở màn. Dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy với những âm hưởng trầm hùng, gợi nhắc tới lịch sử non sông, tới quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Bản giao hưởng “Hồn thiêng sông núi” với sự hòa tấu của các nhạc cụ Tây phương kết hợp với những nhạc cụ dân tộc đưa lại một bản hòa tấu ấn tượng, vừa trang trọng, hào hùng vừa tha thiết, thân quen.
Thiết kế sân khấu với những màu sắc rực rỡ, đưa lại cảm nhận của mùa xuân đang hiện diện trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam, thấp thoáng vòm mái của Bến cảng Nhà Rồng gợi nhắc tới những mái đình làng Việt, đến hồn cốt dân tộc tự ngàn đời.
Dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chỉ huy với những âm hưởng trầm hùng, gợi nhắc tới lịch sử non sông
Trên sân khấu, các nghệ sĩ trong trang phục dân tộc tấu lên những giai điệu lúc khoan thai, khi trầm lắng, như đưa cả tiếng núi rừng, đất trời mọi ngả về với sân khấu nơi Bến cảng Nhà Rồng. Đất nước từ buổi khai thiên lập địa, từ thuở con dân nước Việt đi mở mang bờ cõi như được kể lại trong những nốt nhạc của bản hòa tấu “Hồn thiêng sông núi”. Trên hai màn hình lớn của sân khấu là cảnh đẹp giang sơn, là non sông gấm vóc lần lượt hiện ra.
Tiếp sau phần trình diễn giao hưởng hoành tráng là phần nghi lễ trang trọng. Ông Vũ Hồng Nam - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - lên dẫn dắt phần lễ của chương trình “Xuân Quê hương - Tổ quốc vinh quang”.
20h20’ ông Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lên phát biểu khai mạc chương trình. Ông Phạm Bình Minh đã tổng kết lại đời sống của kiều bào ta trong một năm qua ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kiều bào trong vai trò cầu nối đưa Việt Nam tới gần hơn và nhanh hơn với các bạn bè quốc tế, giúp thúc đẩy phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở trong nước bằng những đóng góp đa dạng.
Ông Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa kiều bào và quê hương, đất nước. Chương trình Xuân Quê hương chính thức bắt đầu sau bài phát biểu khai mạc của Phó Thủ tướng Chính phủ.
20h26, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chúc Tết kiều bào. Chủ tịch nước gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới tới các kiều bào đang có mặt tại hội Xuân Quê hương cũng như kiều bào trên khắp thế giới. Chủ tịch nước đã khái quát lại tình hình đất nước trong một năm qua và nhấn mạnh sự đóng góp của kiều bào đối với những phát triển của nước nhà.
Ngay sau đó, Chủ tịch nước khai trống mở Hội Xuân Quê hương Ất Mùi 2015 trong niềm hân hoan, phấn khởi của cộng đồng kiều bào đang có mặt tại đêm hội cũng như kiều bào trên khắp thế giới đang theo dõi sự kiện qua sóng truyền hình.
Sau phần lễ trang trọng và cô đọng, một phóng sự ngắn ghi nhận những cảm nhận của các kiều bào trên thế giới đối với sự phát triển của nước nhà và nỗi lòng thương nhớ quê hương mỗi dịp Tết đến Xuân về đã đưa lại một cảm nhận gần gũi, thân thương dành cho những người con xa xứ.
Chia sẻ của nghệ sĩ piano Nguyễn Vân Anh
Chương trình tiếp tục với phần hội bắt đầu từ trường ca “Bức tranh non nước”. Phần một đi từ “Lời ru đất Bắc” với những nón quai thao, áo mớ ba mớ bảy. Hình ảnh những địa danh nổi tiếng của đất Bắc xuất hiện trên hai màn hình lớn. Từ vùng châu thổ Bắc Bộ - cái nôi văn hóa dân tộc, trường ca “Bức tranh non nước” lại đưa người xem đến với phần hai - “Tiếng vọng miền Trung”. Bản trường ca đi xuôi đất nước về miền Nam với phần ba - “Giọng hò phương Nam”.
Phần 4 cũng là phần cuối của bản trường ca đồ sộ “Bức tranh non nước” là “Non nước gấm hoa”.
21h, tiếp nối những ca khúc đẹp về đất nước. “Mùa xuân đầu tiên” - một nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Cao - như nhắc nhớ về một thuở đất nước còn đau đớn vì chiến chinh và niềm hạnh phúc vỡ òa khi đất nước nối liền một dải, một “mùa xuân mơ ước ấy” đã thành hiện thực và “từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người”…
“Mừng tuổi mẹ cha” với giọng ca Đan Trường kể về niềm vui của gia đình sum họp, “Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”.
“Nắng có còn xuân” với giọng ca Lệ Quyên đưa lại những náo nức, rộn ràng ngày xuân của tuổi trẻ, tình yêu và sức sống tràn đầy. Trong tiết mục này, bộ sưu tập áo dài mang chủ đề sen của nhà thiết kế La Hằng được giới thiệu trên sân khấu. Vẻ đẹp của các người mẫu, sắc xuân trên những tà áo dài hòa quyện say đắm với nhạc phẩm ngày xuân.
“Gái xuân” qua giọng ca của Quang Lê làm say lòng người nghe - “Xuân đi, xuân đến, hãy còn xuân, cô gái trông xuân đến bao lần. Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở, gái xuân giũ lụa trên sông Vân…”.
Một điểm nhấn của chương trình Xuân Quê hương - năm Ất Mùi 2015, đó là các nghệ sĩ hải ngoại cũng tham gia biểu diễn trong chương trình. Khởi đầu chương trình có nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Việt kiều Pháp), nghệ sĩ piano Nguyễn Vân Anh (Việt kiều Úc) và tới lúc này là ca sĩ Quang Lê (Việt kiều Mỹ).
21h28, điểm nhấn tiếp tục với các ca khúc đẹp. Trên nền bản tân cổ “Quê hương” là những họa phẩm tranh cát khắc họa vẻ đẹp bình dị của quê hương, của tuổi thơ và tình mẫu tử. Quá trình thực hiện những bức tranh cát được quay trực tiếp và phát trên hai màn hình lớn đặt trên sân khấu.
“Khúc hát sông quê” qua giọng ca Thu Hiền kể về “từng hạt phù sa tháng ba, tháng bảy, từng giọt heo may trên má em hồng…”.
“Tổ khúc: Tình ca” kể câu chuyện về đất nước hào hùng trên khắp mọi nẻo đường. “Vì yêu, yêu nước, yêu nòi, ngày xuân tôi hát nên bài tình ca. Ruộng xanh tươi tốt quê nhà, lòng tôi đã nở như là đóa hoa….”. Giọng ca Đức Tuấn như nhắn nhủ những thông điệp tha thiết nhất tới kiều bào trên khắp thế giới: “Ta hát chung tiếng ca vang dội từ nghìn phương xa… Giữ lấy đức tin bền vững em ơi. Giữ lấy trái tim đòi sống yêu đời. Làm một bài tình ca của đôi lứa ta dâng cả bao người…”.
Tiếp nối chương trình ca nhạc là nhạc phẩm “Bâng khuâng Trường Sa” qua giọng ca Thanh Thúy. Chương trình Xuân Quê hương với chủ đề “Tổ quốc vinh quang” năm nay đặc biệt hướng đến tình yêu biển đảo quê hương.
21h51, “Việt Nam 2020” là một nhạc phẩm mang nhiều ước vọng tươi đẹp về tương lai đất nước - con người Việt Nam, đã giới thiệu tới khán giả. Trên màn hình lớn những bức tranh cát đầy ý nghĩa được ghi hình, gây ấn tượng mạnh đối với người thưởng thức.
21h55, trên sân khấu bừng sáng với “Tổ khúc: Vinh quang Tổ quốc ta - Việt Nam ơi chân trời rộng mở” tiếp mạch ca ngợi non sông - đất nước huy hoàng với phần chỉ huy của nhạc trưởng Thiện Đạo.
22h, chương trình kết thúc tốt đẹp trong lời ca phấn khởi, đầy cảm động của nhạc phẩm “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” - “Mùa xuân này về trên quê ta khắp đất trời biển rộng bao la. Cây xanh tươi ra lá trổ hoa chào mùa xuân về với mọi nhà…”.
***
Nằm trong chuỗi hoạt động ý nghĩa của chương trình Xuân quê hương 2015, tối nay 8/2, chương trình nghệ thuật giao lưu đặc sắc sẽ diễn ra với sự tham dự của Chủ tịch Nước, lãnh đạo một số Bộ ngành và đông đảo kiều bào trên thế giới về Việt Nam vui Tết. Một trong những điểm nổi bật năm nay so với các năm trước chính là lần đầu tiên chương trình được tổ chức tại Bến cảng Nhà Rồng, TPHCM. Đây cũng địa phương có cộng đồng kiều bào đông đảo nhất cả nước (hơn 50%). Với lượng khách mời tăng đột biến gồm khoảng 1000 khách mời là Việt kiều trên toàn thế giới hội tụ về, Xuân Quê Hương 2015 được xem là một chương trình quy mô và mang ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Phát biểu của Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp
Được biết, không chỉ tăng đột biến về số lượng dự kiến, một trong những tín hiệu vui của chương trình năm nay đó là, có rất nhiều kiều bào từ các nước xa xôi cũng đăng ký tham dự, chẳng hạn ở châu Phi. Riêng tại địa bàn TP HCM số kiều bào đang cư trú, sinh sống, làm việc với đa dạng các thành phần như những người trí thức, doanh nhân, người làm công tác xã hội, giảng dạy,… đều thể hiện sự mong muốn tham dự chương trình ý nghĩa này.
Chia sẻ về lý do tổ chức Xuân Quê hương năm nay tại TPHCM, ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: “Chương trình năm nay được tổ chức tại TPHCM ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, còn là sự hồi tưởng lại nơi Bác Hồ đã từng ra đi tìm chân lý và con đường cách mạng giải phóng dân tộc”.
Trở lại với chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê Hương - Tổ quốc vinh quang” tối nay, tuy chưa tiết lộ cụ thể nhưng ban tổ chức cho biết, các tiết mục đặc sắc sẽ hướng đến đề tài ca ngợi quê hương đất nước, truyền tải không khí đón xuân rộn ràng đang về khắp nơi. Đặc biệt, năm nay sự giao hòa và tinh thần kết nối giữa người dân trong nước cũng như các kiều bào trên thế giới còn thể hiện qua việc, chương trình sẽ có phần tham gia trình diễn của các nghệ sĩ Việt kiều như nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Việt kiều Pháp), nghệ sĩ piano Nguyễn Vân Anh (Việt kiều Úc) và ca sĩ Quang Lê (Việt kiều Mỹ).
Chia sẻ của GS. TS Nguyễn Lương Mô, ĐH Hosei, Nhật Bản
Chia sẻ với Dân trí, ca sĩ Quang Lê - một trong những ca sĩ hải ngoại chuyên hát dòng nhạc quê hương trữ tình cho biết, “tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và hạnh phúc khi được là một trong các anh chị em nghệ sĩ tham gia chương trình Xuân Quê Hương năm nay. Riêng bản thân mình, tôi vẫn thích mọi người gọi mình là một ca sĩ Việt Nam hơn là ca sĩ hải ngoại, bởi dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn hướng về quê hương và vẫn mãi là người Việt Nam. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn ban tổ chức đã yêu thương và tạo cơ hội cho tôi được đem lời ca tiếng hát của mình góp vui trong một chương trình đầu xuân quá ý nghĩa như thế này”.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo (Việt kiều Pháp), cũng là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng trong chương trình tối nay đã chia sẻ, “đối với tôi đây là một niềm vui lớn. Không chỉ thế, đây còn là một nhiệm vụ nữa. Thật sự, việc tham gia một chương trình ý nghĩa như Xuân Quê Hương là quá may mắn đối với tôi, điều mà không biết bao lâu nữa tôi mới lại có cơ hội được tham gia tiếp”.
Cũng theo những chia sẻ ban đầu từ ban tổ chức, trong chương trình nghệ thuật tối nay, sau khi Chủ tịch Nước gửi lời chúc Tết đến các kiều bào và đánh trống khai xuân, chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc hướng đến chủ đề “Xuân Quê hương 2015 - Tổ quốc vinh quang” sẽ được tiếp nối với các tiết mục đặc sắc do nhiều ca sĩ nổi tiếng người Việt trong và ngoài nước biểu diễn. Song song đó, chương trình cũng sẽ được truyền hình trực tiếp, phủ sóng đến 109 nước và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí trước giờ diễn ra chương trình Xuân Quê hương, chị Đào Quỳnh Nga, 32 tuổi, giáo viên dạy tiếng Việt tại thủ đô Kiev, Ukraine, cho biết đây là lần đầu tiên chị tham dự chương trình Xuân Quê hương.
Chị Nga đã xa Hà Nội 14 năm nhưng mỗi dịp tết đến xuân về, chị đều nhớ tới hương vị Tết cổ truyền. Tết năm nay, chị cùng chồng con về Hà Nội sum họp cùng gia đình.
“Dù ăn tết ở Kiev rất vui với đầy đủ mọi thứ như ở Hà Nội và trong sự đoàn kết, gắn bó của bà con người Việt cũng như sự quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, nhưng tôi vẫn thấy thiếu vắng tình thân vì phải xa bố mẹ”, chị nói.
Chị cũng cho hay, một trong những điều chị nhớ nhất về Tết ở Hà Nội là sự vắng vẻ, bình yên hiếm thấy của phố phường Hà Nội vào sáng mùng 1 Tết, một nét rất đặc biệt.
“Tôi cảm thấy mình may mắn hơn những kiều bào hiện đang sống tại vùng chiến sự phía Đông Ukraine. Tôi đã về Việt Nam được 10 ngày nên cũng chưa cập nhật được tình hình của bà con tại khu vực này, không biết mọi người đón Tết ra sao”, chị Nga chia sẻ.
Theo chị, sự kiện Xuân Quê hương 2015 được tổ chức rất quy mô, thể hiện sự quan tâm lớn của nhà nước với kiều bào. Chị Nga cho rằng, nhà nước cần tổ chức nhiều cuộc tọa đàm hơn nữa để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của kiều bào. Chị rất vui vì công việc của mình đã góp phần truyền bá văn hóa Việt.
“Mỗi lần về Hà Nội, tôi lại thấy rõ sự thay đổi. Lần này, là cây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng. Dù năm nào cũng trở về Việt Nam nhưng mỗi lần bước xuống sân bay, trong lòng tôi lại dấy lên một cảm xúc khó tả. Có lẽ không gì khác đó là tình yêu Hà Nội luôn ẩn chứa trong lòng”.
Nam Hằng ghi
|
Ban Văn hóa
Ảnh: Trí Hòa
Video: Thọ Phạm
Tại sao nước mưa lại dễ dàng làm vật dẫn. -Nước làm ẩm bề mặt kim loại: Nước mưa tiếp ...
Tại sao nên chọn loại chất lượng tốt có giá cao thay vì chọn loại chất lượng giá rẻ. 1. ...
Thứ năm, 6/4/2023, Gói tín dụng do Agribank triển khai với mức lãi suất ưu đãi đến 8,7%, áp dụng ...